.22 -> NO CATCHE
Page Alias:xem-chi-tiet-tin-tuc
MenuItemAlias: /vi/xem-chi-tiet-tin-tuc

Ước mơ chạm đến cánh cửa trường Đại học Y của cô bé mồ côi cha

11/08/2021 22:33

Trở lại Nghệ An lần này, “Trao cơ hội – Nối ước mơ” đến với xã Diễn Thịnh - một trong 8 xã biên giới biển của huyện Diễn Châu, Nghệ An, để chia sẻ với hoàn cảnh của em Phạm Thị Ngọc Ánh đang học lớp 7A tại trường THCS Diễn Thịnh.

Là 1 trong 3 trường nằm trên địa bàn xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An, trong những năm qua, thầy và trò trường THCS Diễn Thịnh đã từng bước khẳng định được thương hiệu của mình nhờ chất lượng giảng dạy ở top khá của huyện. Năm 2016, trường được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là trường chuẩn Quốc gia. Được thành lập từ năm 1962, sự ra đời của trường đã tạo điều kiện cho con em trên địa bàn được tiếp tục học lên sau khi tốt nghiệp cấp Tiểu học. Tại đây, có một nhân vật đã thu hút sự chú ý của “Trao cơ hội - Nối ước mơ” nhờ hoàn cảnh đặc biệt của mình. Đó là em Phạm Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 7A trường THCS Diễn Thịnh.

 Em Phạm Thị Ngọc Ánh – nhân vật của Trao cơ hội nối ước mơ kỳ này

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố của Ánh vừa mới qua đời vì bệnh ung thư, mộ tay mẹ em phải bươn chải để lo cho bà và nuôi 4 chị em ăn học. Mẹ của em, chị Nguyễn Thị Xuân năm nay mới bước sang tuổi 41 nhưng sự bươn chải mưu sinh dường như đã khiến cho chị già hơn tuổi thật của mình. Chồng mất do căn bệnh ung thư năm ngoái, giờ đây, chị trở thành lao động chính nuôi một mẹ già và 4 đứa con đang tuổi ăn học, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi. Do không có bằng cấp, chị Xuân ngày ngày cần mẫn làm công việc bốc hàng - một nghề vốn dĩ chỉ dành cho đàn ông, nhưng nó lại là lựa chọn phù hợp nhất đối với chị. Với mỗi thùng gạch nặng 30-50kg đủ kích cỡ, trung bình mỗi ngày chị bốc được 20-30 tấn hàng. Công việc bán sức lao động là thế, nhưng thu nhập hàng tháng chị Xuân lại chẳng đáng là bao, chỉ vỏn vẹn 2 triệu rưỡi đến 3 triệu đồng. Những hôm nào không có hàng để bốc, chị lại đi lượm cỏ cho làng, hoặc ai có việc gì thì chị làm nấy. Chỉ cần có tiền lo cho con ăn học thì việc gì chị cũng nhận, không kể mệt nhọc. Có những hôm, chị ra khỏi nhà từ sáng sớm khi cả nhà còn chưa dậy và trở về nhà khi mẹ già và các con đã ngủ say. Mẹ vắng nhà thường xuyên nên mọi công việc từ chợ búa tới nấu nướng đều do chị em Ánh tự mình xoay xở. Giờ còn trẻ nên dù mệt nhọc, chị Xuân vẫn cố gắng, nhưng trong lòng chị luôn mang trong mình nỗi lo canh cánh rằng liệu sau này khi sức khoẻ yếu đi, chị sẽ phải làm gì để trang trải cuộc sống, lo cho các con.

 Mẹ của Ánh – chị Xuân chia sẻ

Ngoài giờ học trên lớp, Ngọc Ánh luôn ý thức tự giác học thêm ở nhà. Ước mơ của em là được bước chân vào trường Đại học Y và trở thành bác sĩ. Nhưng với hoàn cảnh gia đình ở thời điểm hiện tại, không có gì chắc chắn rằng em sẽ có đủ điều kiện để thực hiện ước mơ của mình. Bà nội của Ánh năm nay đã hơn 70 tuổi, ốm đau liên miên, chẳng làm được việc gì nặng nhọc. Hàng ngày bà chỉ có thể quanh quẩn bên vườn tược, trồng thêm ít rau để đỡ tiền mua thức ăn. Còn chị gái cả của Ánh năm nay vừa học hết lớp 12 nhưng đã quyết định nghỉ học để đi làm giúp mẹ, nhường cơ hội lại cho em gái.

Nhìn vẻ bề ngoài của Ngọc Ánh, không ai nghĩ em mới chỉ 13 tuổi. Là người trầm tính, ít nói, hiếm khi thấy nụ cười trên gương mặt em mà đâu đó luôn phảng phất vẻ lo toan cho mẹ và các em. Ánh mang suy nghĩ có phần già dặn hơn bạn bè cùng trang lứa. Ngoài thời gian học trên lớp, Ánh còn phải làm việc nhà, dạy em học nhưng em vẫn biết cân đối thời gian để giúp đỡ gia đình với mục tiêu học tập cá nhân. Em tranh thủ những lúc thời gian buổi chiều sau khi đã tan học trên trường để dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ và cho em ăn, tắm cho em. Buổi sáng, Ánh dành ra chút thời gian trước khi đến lớp để quét nhà giúp bà. Ánh chia sẻ, nếu hết lớp 12 mà mẹ cho học tiếp ngành Y thì sẽ theo học, còn nếu không được thì em ở nhà làm với mẹ.

 Ánh  làm việc nhà, dạy em học nhưng em vẫn biết cân đối thời gian để hoàn thành mục tiêu học tập cá nhân

Trong tổng số 38 học sinh đang theo học tại lớp 7A, Ngọc Ánh vẫn luôn luôn nằm trong danh sách top 5 những học sinh có thành tích tốt nhất lớp và tốt nhất khối 7 của trường. Tuy học giỏi đều các môn, nhưng môn Ngữ Văn được chọn là môn học mà em yêu thích và đam mê nhất. Vừa qua, Ánh đã đạt Giải 3 môn Ngữ Văn năm học 2020-2021. Nhờ vào thành tích học tập tốt và sự chăm chỉ của mình, em đã nhận được rất nhiều những đánh giá tích cực của cả thầy cô và bạn bè. “Bộ môn Ngữ Văn đòi hỏi rất nhiều kỹ năng để có thể học tốt, đặc biệt là phải chăm học. Ngoài ra, cần phải tìm tòi các thông tin, tài liệu khác như mạng xã hội và sách vở. Bạn cũng có ý thức tự học ở nhà và trau dồi các kiến thức mà giáo viên đã truyền đạt” - Giáo viên bộ môn Ngữ Văn của Ánh tự hào chia sẻ.

Được biết, lớp 7A mà Ánh đang theo học được nhà trường đặc biệt chú ý vì đây được coi là lớp hạt giống của trường, hội tụ rất nhiều học sinh ưu tú. Nhờ tinh thần học tập tích cực trên lớp và những chính sách hỗ trợ đặc biệt của nhà trường, trong những năm học vừa qua, em đã liên tục nhận được thành tích trong học tập và nhận được danh hiệu Học sinh Giỏi của huyện trong năm học này. Ngoài việc học tập tốt tại lớp, Ánh còn là một Sao Đỏ hoạt động rất sôi nổi trong trường. Em cũng được các bạn cùng lớp nhận xét là một thành viên rất thân thiện, hoà đồng và hay giúp đỡ mọi người, tự tin và biết cố gắng vượt qua hoàn cảnh. Sắp xếp việc học đã khó, nhưng Ngọc Ánh vẫn dành thời gian để tham gia vào các hoạt động chung của trường. Là 1 trong 18 Sao Đỏ, đội viên ưu tú của trường, em luôn năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động do Liên đội tổ chức.

 Ánh là 1 trong 18 Sao Đỏ, đội viên ưu tú của trường

Biết được hoàn cảnh đặc biệt của em Phạm Thị Ngọc Ánh, công ty Xổ số Việt Nam Vietlott đã trao một suất học bổng trị giá 25 triệu dành cho em. Nhận được món quà lớn từ nhà Đại diện nhà tài trợ của Vietlott, không chỉ Ánh mà tất cả các thầy cô, bạn bè cùng lớp đều thấy vui mừng và xúc động thay cho em. “Đây cũng là niềm vinh dự và niềm vui không chỉ riêng em Ánh mà còn với trường chúng ta. Mong rằng với món quà này, em sẽ có thêm nhiều động lực và cố gắng hơn nữa trong học tập và rèn luyện” - đại diện của trường THCS Diễn Thịnh phát biểu.

Theo số liệu thống kê năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo ở Nghệ An là 4,11% và cận nghèo là 7,35%. Nguyên nhân dẫn đến nghèo đến từ trình độ học vấn thấp, ít có cơ hội để tìm kiếm việc làm tốt và ổn định. Không chỉ ảnh hưởng tới mức thu nhập, trình độ học vấn thấp còn ảnh hưởng đến các quyết định liên quan tới tới giáo dục, sinh đẻ và nuôi dạy con cái ở thế hệ hiện tại và cả tương lai.