.22 -> NO CATCHE
Page Alias:xem-chi-tiet-tin-tuc
MenuItemAlias: /vi/xem-chi-tiet-tin-tuc

Ngôi nhà của người cựu chiến binh nhiễm chất độc màu da cam

13/04/2021 14:18

Trở về từ chiến trường với một bên tai thủng màng nhĩ, tay mất sức lao động,… những tưởng bấy nhiêu thương tật ấy đã quá nhiều đối với ông Lý Văn Bình (67 tuổi, H. Vị Xuyên, T. Hà Giang). Thế nhưng, đứa con trai ông chào đời lại tiếp tục bị nhiễm chất độc màu da cam.

“Hồi Toàn ra đời, chân tay lành lặn, cả nhà tôi mừng lắm! Lớn lên tôi vẫn cho con đến trường, nó còn học tiếng Kinh rất giỏi. Ấy vậy, đến lớp 9 thì bắt đầu khờ dần. Từ đó đến nay thì thể xác lớn, chứ đầu óc Toàn chỉ là đứa trẻ” - ông Bình nhìn đứa con trai 31 tuổi ngây ngô đầy vị đắng.

Ngày đó, để chữa trị cho con, ông Bình phải bán hết tài sản trong gia đình để có tiền đi xuống thành phố. Đến khi con trai được chẩn đoán mang di chứng chất độc màu da cam, ông Bình mới rùng mình nhớ về năm tháng ác liệt của chiến tranh.

Năm 1972, giữa lúc chiến trường Quảng Trị nổ súng dữ dội, ông Bình liền đăng kí xung phong lên đường ra mặt trận. Thời gian ấy, đêm ngày quân địch rải bom, thuốc khai hoang xuống hầm trú ẩn của bộ đội như rải thóc. Đồng đội của ông Bình ngã xuống nhiều vô kể. Riêng ông thì bị ảnh hưởng khiến một bên tai thủng màng nhĩ, tay mất sức lao động.

“Địch bắn ác liệt lắm. Một hôm tôi ở hầm trên, anh đồng đội người Tày khác ở hầm dưới. Địch đi ngang qua, nó rào một trận khiến tất cả sập. Tôi bị thương, nhưng anh bạn thì không qua khỏi” - ông Bình nhớ lại. Năm1975, ông Bình trở về quê nhà, kết duyên cùng với một cô gái trong bản. Cưới nhau chưa bao lâu thì năm 1979, giặc tràn qua biên giới, ông Bình lại tiếp tục cầm súng lên đường.

“4 năm sau vợ chồng tôi mới bắt đầu xây dựng cuộc sống. Ban đầu, chúng tôi chịu sống chung nhà với em trai. Tôi đi tìm gỗ, tre, cọ,… để dành nhiều năm để có thể xây căn nhà cho vợ con ra riêng.”

Mãi 2 năm sau, căn nhà bằng tre và lá cọ mới hoàn thành. Thế nhưng, chỉ sau một đợt bão tràn vào bản thì mái nhà đã đổ sập.

“Đợt đó, Toàn bệnh, bao nhiêu tiền tôi dồn để chạy chữa cho con. Cả nhà chấp nhận phải sống trong căn nhà không mái.Tới mùa nắng thì con trai lại theo tôi vào rừng kiếm gỗ chống nhà, con gái thì cài gianh (lá tranh) lợp mái. Nhà nghèo, mấy anh em nó sống khổ từ nhỏ nên ăn rau rừng, củ rừng, vẫn vui vẻ cả” - ông Bình kể. 

Trước khi người vợ mất, bà vẫn nhắc mãi về ước mơ được sống trong một ngôi nhà lành lặn. Lúc nào, vợ nói, ông Bình cũng hứa: “Bà yên tâm, dù có mất rồi thì tôi cũng cố cho bà có nơi hương hoả…”. Nhưng lời hứa ấy, ông lão không biết thực hiện bằng cách nào.

Năm trước, ông được chẩn đoán mắc u dạy dày, buộc phải phẩu thuật cắt bỏ để giữ mạng sống. Số tiền nằm viện, đứa con gái ông phải chắt chiu từ con bò, con gà nuôi nhiều năm trong vườn.

“Hôm trước, anh trưởng thôn tới thông báo nhà tôi được nhà nước hỗ trợ xây nhà, tai tôi điếc nên đâu có nghe. Mấy đứa con khóc, tôi còn tưởng là có chuyện buồn. Đến lúc tụi nó nói to vào tai tôi, tôi cũng khóc theo. Chưa có bao giờ tôi có một ngày vui như vậy” - ông Bình cười mỉm.

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của vị cựu chiến binh Lý Văn Bình, Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) cùng với UBMTTQ huyện Vị Xuyên đã cùng nhau tham gia tài trợ, xây dựng nhà cho ông. Căn nhà bê-tông đầu tiên trong bản khiến ông Bình vô cùng xúc động.

“Vị Xuyên là một huyện miền núi biên giới rộng với địa hình nhiều núi cao, khe sâu nên đời sống đồng bào hết sức khó khăn. Khi nhận được thông tin Vietlott hỗ trợ cho 2 vị cựu chiến binh nghèo tại huyện có được một căn nhà mới, chúng tôi hết sức vui mừng. Từ đây, đời sống vật chất của gia đình người có công với cách mạng ổn định và phát triển”, ông Thiều Văn Bốn (Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Huyện Vị Xuyên) chia sẻ.

Tại buổi lễ trao nhà, ông Trần Ngọc Hà - Giám đốc chi nhánh Hải Phòng (thuộc Vietlott) nói: “Với Giá trị cốt lõi là TRUNG THỰC, TRÁCH NHIỆM và TÔN TRỌNG, Vietlott luôn luôn đi đôi với hoạt động an sinh xã hội cộng đồng. Chỉ riêng năm 2020, Vietlott đã xây dựng mái ấm mới cho bà con tại các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang, Yên Bái, Cao Bằng,…

Đối với Hà Giang, đây là địa bàn vùng núi khó khăn nên tháng 7.2020, ngay khi Vietlott chính thức triển khai kinh doan đã tổ chức trao tặng 2 căn nhà tình nghĩa tại H.Vị Xuyên. Trong tương lai, Vietlott tiếp tục phát huy với quy mô lớn hơn, xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”.

Đoàn khách từ xuôi lên tận bản trao nhà, ông Bình vui lắm! Mặt trời chưa qua đỉnh núi, ông đã thực dậy, thịt con gà để làm mâm cỗ.

Ông lão mặc chiếc áo lính sờn vai, trên ngực gắn đầy huân chương. Chiếc áo ấy, ông đã mặc suốt năm tháng chiến tranh. Hôm nay, nó trịnh trọng vô cùng.

Bởi, hôm nay, ngày ông Bình được trở về căn nhà cả đời ông mơ ước.