.21 -> NO CATCHE
Page Alias:xem-chi-tiet-tin-tuc
MenuItemAlias: /vi/xem-chi-tiet-tin-tuc

Nguyện ước trước khi mất của đôi vợ chồng già bán vé số mưu sinh

05/03/2021 22:49

85 tuổi, mù loà, nhưng 2 năm trước, ông Từ Công Cẩn (thị trấn Cây Dương, tỉnh Hậu Giang) vẫn tỉ mẩn đi bán từng tờ vé số, nuôi người vợ bị tai biến bại liệt. Ước mơ của cả 2 là trước khi mất có được một căn nhà đàng hoàng.

Giọt nước mắt từ đôi mắt mù

Ông Cẩn mãi không quên buổi sáng tháng 10. Mắt chỉ nhìn thấy một bên, nhưng tai ông thì vẫn nghe rõ mồn một từng lời cán bộ nói: “Mai chú đại diện người dân Cây Dương lên phát biểu nghen. Công ty trên thành phố xuống thăm hỗ trợ chú xây lại cái nhà mới”.

Ông lão ri rỉ nước mắt.

Suốt đêm đó, 2 vợ chồng ông Cẩn trằn trọc mãi không thôi. “Giờ người ta giúp mình xây nhà, mình phải phát biểu gì với người ta nhỉ?” - ông quay sang hỏi vợ, bà Trần Thị Phá (75 tuổi).

“Cảm ơn đi ông. Cảm ơn từng người…” - bà Phá gợi ý.

“Nhưng tui hổng nhìn rõ ai tặng nhà mà biết nói cảm ơn họ”.

“Vậy thì cứ nắm tay từng người mà cảm ơn…”.

Buổi sáng hôm sau, ông Cẩn dậy sớm, mặc một chiếc sơ-mi sọc dọc đã bay màu lá úa được ông cất kỹ càng trong chiếc tủ gỗ, ông xỏ thêm đôi dép tổ ong, chống cây gậy leo lên xe cậu con trai đến Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Thị trấn Cây Dương. Tại buổi lễ trao tặng nhà tình nghĩa, thay vì nói, ông Cẩn khóc:

“Cả cuộc đời tui đi bán vé số đến mù, vợ thì tai biến, chưa bao giờ tui dám mơ ước sẽ có được căn nhà… Vợ chồng tui tính sẽ mất trong căn nhà lá đó, nhưng sợ sau này nó có còn tồn tại để con cháu thờ cúng không?”

Nghe xong, cả hội trường im lặng, ai cũng xúc động khi chứng kiến giọt nước mắt rỉ ra từ đôi mắt mù sương của ông lão 85 tuổi.

Bán vé số nuôi vợ tai biến hàng chục năm

20 năm nay, người dân ở thị trấn Cây Dương (Hậu Giang) vẫn quen thuộc hình ảnh vợ chồng ông bà lão, ngày ngày dắt tay nhau đi bán từng tờ vé số lề đường để kiếm sống. Đó là tình nghĩa của ông Từ Công Cẩn (85 tuổi) và bà Trần Thị Phá (75 tuổi).

Năm 18 tuổi, trong một lần chạy giặc từ Bình Định vào Hậu Giang, ông Cẩn phải lòng một cô gái quê.  Hồi đó, cưới nhau, cả hai đều nghèo, của hồi môn chỉ đủ mua chiếc ghe để 2 vợ chồng mua thúng bán bưng trên sông nước.

“Cứ tối ghé đất liền chụm bếp nấu bánh chưng, bánh ít,… sáng lại chèo ghe đi bán. Cuộc sống cực khổ lắm, 2 vợ chồng phải đùm bọc lẫn nhau trên sông nước, sương gió” - ông Cẩn kể.

Sau khi có với nhau mụn con, ông Cẩn bàn với vợ chuyển lên bờ cho con cái tới trường tìm cái chữ. Thế nhưng, số tiền tích góp bao nhiêu năm chẳng đủ để mua gạch, ông Cẩn đành đi đổi cột đủng đỉnh, lau sậy,… để lợp mái nhà. Nhưng mùa nước lên thì nhà cũng lên theo nước, mưa xuống thì cả gia đình đụt trong tấm cao su, trời nắng thì như ở ngoài trời… Mỗi lần nhìn con, bà Phá lại chảy nước mắt.

“Hồi đó, 11 đứa con, dì đi bán buôn cả tuần về 1 lần, anh em nó tự đùm bọc, ăn rau rá nuôi lẫn nhau. Mình chỉ nghĩ dốn tiền cho con  đi học tới lớp 7, lớp 8 biết cái chữ. Thế nhưng, có 2 đứa vì cơn đau ốm mà mất, dì đau thắt tâm cang” - bà Phá kể.

Lớn lên, 9 đứa con còn lại, đứa đi làm thuê ở vuông tôm, đứa bán vé số, đứa làm công nhân ở thành phố,… mỗi tháng chỉ dư dã ít tiền phụ giúp bố mẹ thuốc men. Thế nhưng năm 2008, bà Phá đột ngột lên cơn đột quỵ. Đợt đó, bà bại liệt nằm một chỗ, miệng không thể cử động được nữa. Từ đó, một mình ông Cẩn lặn lôi đi bán vé số, lo lắng bữa ăn cho cả 2 vợ chồng.

2 năm trước, tới lượt đôi mắt ông Cẩn mờ rồi mù hẳng. Không còn thấy đường, ông Cẩn lui về nhà, chỉ còn biết nương tựa sống vào tình nghĩa xóm giềng và các con. Căn nhà qua từng năm đã sụp đổ, cột kèo nghiêng chỉ cách đầu 2 vợ chồng già hơn gan tay. Đêm nào gió to, ông Cẩn đều thức dậy, lo ủ mền che chắn cho vợ. Cậu con út thương bố mẹ, vào trong xóm xin về ít gỗ, chèn vào những chỗ cột đủng đỉnh đã gãy. Nhưng chẳng ai biết nhà khi nào sẽ sập.

2 năm nay, gắng gượng tập luyện, bà Phá đã có thể nói chuyện đôi chút.Thế nhưng, cái ước mơ có được nhà đàng hoàng tới lúc mất, bà chẳng biết cách nào nhìn thẳng vào đôi mắt chồng để nói.

 Căn nhà cũ của ông bà Cẩn

 

Lắng nghe hoàn cảnh thương tâm của gia đình ông Từ Công Cẩn khi cả 2 vợ chồng già bệnh tật, một người tai biến, một người mù loà vừa được mổ một bên mắt, vẫn ngày ngày vẫn bám trụ trong căn nhà chưa biết khi nào sụp đổ, Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) thông qua UBMTTQ thị trấn Cây Dương trao tặng căn nhà tình nghĩa cho vợ chồng bà.

 Ủy ban nhân dân thị trấn Cây Dương tổ chức lễ trao 4 căn nhà đại đoàn kết tại căn nhà mới của ông Cẩn

Tại buổi lễ trao tặng, ông Nguyễn Trung Tín (Phó giám đốc chi nhánh Cần Thơ (thuộc Vietlott)) chia sẻ:

“Trong suốt nhiều năm Vietlott đã tham gia nhiều hoạt động an sinh nhằm nâng cao đời sống cho người dân nghèo. Ngoài các hoạt động trao học bổng giúp trẻ em đến trường, xây cầu, làm đường… Vietlott còn tham gia trao tặng nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa trên toàn quốc.

Từ đầu năm 2020, Vietlot và người trúng thưởng đã trao tặng hàng chục căn nhà tại các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Hà Giang, Long An… Mái nhà yên ấm sẽ tạo động lực cho người dân có thể ổn định, trong tương lai có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là những gì mà Vietlott luôn mong muốn mang tới cho mọi người”.

Kết thúc buổi lễ trao tặng nhà, ông Cẩn vẫn tỉ mẩn sờ tay vào chiếc bảng “nhà tình nghĩa” cả buổi không thôi…

“Bây giờ thì chết cũng nhắm mắt được rồi bà nghỉ nhỉ?” - ông hỏi vợ, mỉm cười nghĩ về giấc mơ có căn nhà đàng hoàng, cuối cùng ở tuổi 85 cũng thực hiện được.